Tỉnh có bước
chuyển đổi mạnh mẽ từ cơ chế “nhiều cửa” sang “một cửa” và “liên thông” nhiều
thủ tục ở nhiều cơ quan. Đặc biệt, với quyết tâm chính trị cao, Tỉnh đã thành
lập được Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Nhờ những giải pháp và chỉ đạo
quyết liệt, Ninh Bình đã trở thành tỉnh thuộc nhóm những tỉnh dẫn đầu của cả
nước về thực hiện tốt đề án cải cách hành chính của Chính phủ, cổng dịch vụ
công của tỉnh đã triển khai cho 100% các cơ quan nhà nước và hoàn thành tích
hợp 11 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo đúng lộ
trình; là Tỉnh thực hiện tốt chủ trương “chính quyền đồng hành cùng doanh
nghiệp”; tỉnh đã có những giải pháp, hội nghị nhằm lắng nghe và giải quyết trực tiếp
các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.
Thực hiện
chủ trương chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, Tỉnh đã tập
trung xây dựng mới, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, ban hành các chính sách,
ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, đặc biệt là vào lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm thu hút
của tỉnh. Ngoài các nội dung hỗ trợ theo quy định về thuế, phí hiện hành của
nhà nước, các chính sách đã bổ sung thêm một số ưu đãi, hỗ trợ riêng của tỉnh
về hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và một số hỗ trợ khác
về đào tạo lao động, quảng cáo, xúc tiến thương mại, qua đó đã phần nào thể
hiện sự quan tâm của Tỉnh đối với thu hút đầu tư, tăng sức hấp dẫn đối với các
nhà đầu tư.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang hoạt động trở lại tích cực sau đại dịch covid-19
Hoạt động
xúc tiến đầu tư được quan tâm, bố trí kinh phí để thực hiện thường xuyên theo
các chương trình, kế hoạch xúc tiến hàng năm. Năm 2012, lần đầu tiên kể từ khi
tái lập tỉnh, Ninh Bình đã tổ chức được Hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô
lớn, giúp cho các đối tác trong và ngoài nước biết đến và tìm hiểu, đầu tư vào
Ninh Bình. Thường xuyên rà soát danh mục các dự án ưu tiên thu hút và kêu gọi
đầu tư; khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ, cải
tiến dây truyền nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần gia tăng giá trị
và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Việc chuyển
đổi tư duy từ nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng các KCN, CCN sang thu hút các doanh
nghiệp đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng đã tạo ra nhiều bước phát triển mạnh
mẽ của tỉnh trong thời gian vừa qua, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước,
nhất là đối với Ninh Bình - 1 tỉnh còn phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ NSTW. Hạ tầng
do các doanh nghiệp thực hiện được đầu tư nhanh chóng, đồng bộ, đáp ứng kịp
thời nhu cầu mặt bằng sản xuất kinh doanh; cùng với nhà nước, các nhà đầu tư hạ
tầng cũng chính là nhân tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đóng góp vào
sự phát triển chung của toàn tỉnh, đưa Ninh Bình phát triển trở thành tỉnh tự
cân đối được ngân sách.
Kết
quả, công tác thu hút đầu tư thời gian qua đã có sự chuyển dịch trong từng giai đoạn, đặc biệt trong nội bộ ngành công
nghiệp, bên cạnh một số sản phẩm chủ lực truyền thống như thép, xi
măng, phân lân, may mặc, giày dép thì chúng ta đã thu hút được một số dự án mới
như lắp ráp ô tô, cần gạt nước, linh kiện điện tử, phân đạm, kính nổi, ghế ngồi
ô tô, tai nghe điện thoại, bản dẫn vi mạch.... Các sản phẩm này đã dần trở
thành sản phẩm chủ lực mới, mũi nhọn, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong
tăng trưởng của ngành nói riêng và nền kinh tế tỉnh nói chung.
Sản phầm thú nhồi bông đượcxuất khẩu ra nhiếu nước Châu âu
Lĩnh vực du
lịch cũng đã thu hút được nhiều dự án lớn với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ
đồng như Dự án xây dựng Khu công viên văn hóa Tràng An, khách sạn 5 sao Tràng
An, khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Cúc Phương... ; Cơ sở hạ tầng phục vụ du
lịch được đầu tư cải thiện, nhất là các dịch vụ lưu trú chất lượng cao. Đến nay, nhiều dự án đã đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần tạo điểm nhấn cho ngành du
lịch tỉnh nhà như dự án Khu sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng; Khu du lịch sinh thái
Emeranda; Khu du lịch sinh thái Thung Nham...
Lĩnh vực
nông nghiệp thu hút được một số dự án đầu tư về chế biến, bảo quản nông sản,
chăn nuôi lợn, bò theo quy mô lớn; các dự án theo mô hình trang trại áp dụng
tiêu chuẩn công nghệ, qua đó đã góp phần nâng cao giá trị và gia tăng sức cạnh
tranh của sản phẩm, hình thành được một số điểm nông nghiệp sinh thái trải
nghiệm, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Tỉnh cũng thực hiện xã hội hóa, thu hút
vốn doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực như y tế, giáo dục, thể thao, phần nào
đáp ứng được nhu cầu của người dân, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Trong thời gian vừa qua, với
những bước đi đúng đắn cùng với sự sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành,
thu hút đầu tư của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp vào sự
tăng trưởng và phát triển chung của toàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho
lao động địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Định hướng thu hút
đầu tư đã có sự thay đổi, chuyển dịch phù hợp với sự phát triển của đời sống xã
hội, của khoa học công nghệ, dự án ngày càng có chất lượng, hiệu quả, sử dụng
công nghệ cao, công nghệ sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới sự phát
triển bền vững.
Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 922 dự án còn hiệu
lực với tổng mức đầu tư 166.329 tỷ đồng, tổng diện tích đất sử dụng là 5.509ha;
trong đó trong KCN là 119 dự án với tổng mức 64.140 tỷ đồng, diện tích đất sử
dụng 668 ha, ngoài KCN là 803 dự án với tổng mức 102.139 tỷ đồng, diện tích đất
sử dụng là 4.841ha. Thu hút đầu tư cụ thể trong giai đoạn 2011-2020 như sau:
Đối với các dự án trong danh mục ưu tiên thu hút, kêu gọi
đầu tư của Tỉnh: Giai đoạn 2011-2020 thu hút được 14/55 dự án trong danh mục
kêu gọi thu hút với tổng vốn đăng ký 3.358 tỷ đồng, gồm: 01 dự án lĩnh vực nông
nghiệp, vốn đăng ký 85 tỷ đồng; 10 dự án lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ lắp ráp ô
tô, điện tử, vốn đăng ký 1.983 tỷ đồng; 01 dự án lĩnh vực giao thông vận tải,
vốn đăng ký 25,0 tỷ đồng; 02 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu đô thị vốn đăng ký
1.265 tỷ đồng. Đến nay, 11 dự án đã đi vào hoạt động (trong đó 01 dự án lĩnh
vực nông nghiệp và 10 dự án lĩnh vực công nghiệp), tạo việc làm và đóng góp cho
ngân sách nhà nước như nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty Sanico,
nhà máy Nexplus Vina, nhà máy winnercom Vina; 03 dự án còn lại đang triển khai
thực hiện theo tiến độ.
Như vậy, tỷ lệ thu hút các dự án trong danh mục mới chỉ
đạt 25,5%. Nguyên nhân chính là do nhiều dự án trong danh mục có diện tích đất
sử dụng lớn trên 50ha, chủ yếu là đất lúa, đất chưa GPMB; Một số dự án thu hút
tại các địa bàn có điều kiện kinh tế và hạ tầng khó khăn như xã Kỳ Phú, Phú
Long, Sơn Lai, huyện Nho Quan; Một số dự án đầu tư thu hút đầu tư vào các CCN
cũ do nhà nước đầu tư hạ tầng chưa đảm bảo, khó hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên
cạnh đó là sự không đồng bộ giữa các quy hoạch, nhất là không có trong quy
hoạch, kế hoạch sử dụng đất để triển khai được trong thực tế, do đó mặc dù
nhiều dự án đã có nhà đầu tư quan tâm nhưng không đủ điều kiện để chấp thuận
đầu tư.

Kết quả thu hút chung trong giai đoạn 2011-2020: Số dự án
cấp mới là 556 dự án với tổng vốn đăng ký 95.023 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất
3.495ha. Trong giai đoạn này, với sự đầu tư của nhà nước vào các
KCN: Gián Khẩu, Tam Điệp I, Khánh Phú và việc thu hút được 02 nhà đầu tư kinh
doanh kết cấu hạ tầng hạ tầng KCN (Phúc Sơn, Khánh Cư) thì hạ tầng các KCN đã
đáp ứng được yêu cầu cơ bản, tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các nhà đầu
tư, thu hút được lượng vốn khá lớn của các thành phần kinh tế với 96 dự án,
tổng vốn đăng ký 38.391 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án với tổng mức đầu tư
hàng nghìn tỷ đồng như các dự án của Liên doanh ô tô Huyndai và Tập đoàn Thành
Công, Nhà máy sản xuất camera môđun và linh kiện điện tử của Công ty MCNEX, Nhà
máy kính nổi Tràng An, Nhà máy phân đạm... Ngoài các lĩnh vực truyền thống như
may mặc, xi măng, giày dép, đầu tư vào KCN đã thu hút được nhiều dự án về công
nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô, điện tử. góp phần chuyển dịch cơ cấu nội bộ
ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghệ sạch.
Đầu tư vào CCN đã có sự tăng trưởng khá với 59 dự án,
tổng vốn đăng ký đạt 14.010 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do thu hút được 11 dự
án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN, trong đó có 06 dự án đã triển khai,
đi vào hoạt động và thu hút được các dự án đầu tư thứ cấp (CCN Gia Vân, Gia
Phú, Văn Phong, Cầu Yên, Khánh Thượng, Gia Lập). Các CCN do doanh nghiệp đầu tư
đã được xây dựng hạ tầng một cách đồng bộ nhất là hệ thống xử lý nước thải tập
trung, thủ tục giao đất cho các nhà đầu tư thứ cấp thực hiện nhanh chóng, đáp
ứng yêu cầu về mặt bằng để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Đầu tư
trong CCN tập trung vào lĩnh vực công nghiệp điện tử, phụ trợ ngành ô tô như
thảm sàn, phim cách nhiệt, thùng xe container, phụ tùng ô tô., trong đó đầu tư
của các doanh nghiệp FDI là 35 dự án, chiếm 59,3%.
Đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp giữ tỷ trọng lớn nhất
theo đúng định hướng phát triển của Tỉnh, chiếm 48% số dự án và 68% tổng vốn
đầu tư đăng ký. Lĩnh vực dịch vụ, thương mại chiếm 32,6%, trong đó dự án du
lịch chiếm 18,8%, còn lại tập trung vào các dự án thương mại dịch vụ khác như
cửa hàng kinh doanh, xăng dầu, dịch vụ cảng, kho bãi. Lĩnh vực nông nghiệp đa
phần là các dự án có quy mô nhỏ (chỉ chiếm 1,1% tổng mức), chủ yếu là các dự án
của các hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuần túy dưới hình thức các
trang trại chăn nuôi, trồng trọt và hình thành các điểm nông nghiệp trải nghiệm
kết hợp du lịch sinh thái. Trong giai đoạn này cũng đã thu hút được một số dự
án thuộc lĩnh vực xã hội hóa về y tế, giáo dục như Trường liên cấp quốc tế IQ
School Ninh Bình, Trường liên cấp Tràng An, Trường mầm non tư thục Hồng Phúc,
Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Thiên Phúc, qua đó đáp ứng được phần nào nhu
cầu của người dân.

Riêng năm 2021, đã thu hút được 29 dự án với tổng mức đầu tư 4.409 tỷ đồng,
diện tích đất sử dụng 129,4ha; trong đó thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp
tiếp tục đóng vai trò chủ đạo cả về số lượng lẫn tổng vốn đăng ký với tỷ lệ
75,9% tổng số dự án, tổng mức đầu tư chiếm 95,9%. Riêng đối với lĩnh vực du
lịch không thu hút được dự án nào, nguyên nhân một phần do đại dịch Covid19
ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, nhà đầu tư chưa dám đầu tư vì có nhiều rủi
ro, đồng thời các vướng mắc, không đồng bộ trong quy định của pháp luật về đầu
tư, đất đai vẫn chưa được sửa đổi, tháo gỡ nên việc thu hút trong lĩnh vực này
còn khó khăn.
Cổng TTĐT tỉnh