Ninh Bình: Xác định công tác triển khai sắp xếp đơn vị hành chính tại địa phương là nhiệm vụ chính trị quan trọng
Ảnh sưu tầm
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh
Ninh Bình đã quán triệt, thống nhất sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng trong giai đoạn 2023 - 2030, do đó phải
bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy
đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Sau Hội nghị toàn tỉnh
triển khai công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 - 2030, trên
cơ sở Nghị quyết và các Kế hoạch của tỉnh, các huyện, thành phố thuộc tỉnh cũng
đã tiến hành triển khai với cách thức tương tự như của tỉnh, với cách làm, bước
đi bài bản, thận trọng nhưng khoa học, tập trung, quyết liệt. Từ đó, tạo được sự
đồng thuận, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh. tỉnh Ninh
Bình, qua rà soát hiện trạng các ĐVHC so với các tiêu chuẩn quy định dự kiến có
02 ĐVHC cấp huyện, 34 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023
- 2025 và 20 ĐVHC cấp xã liền kề liên quan. Như vậy, đây là lần sắp xếp ĐVHC với
số lượng lớn, đồng thời ở cả 2 cấp trên địa bàn tỉnh (cấp huyện chiếm 25%, cấp
xã chiếm 23,77%).
Trong đó, tỉnh xác định
việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh sẽ thu gọn đầu mối,
tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, gắn với sắp xếp đội ngũ cán bộ,
cơ cấu lại lãnh thổ, mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát
huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực mới; qua đó nâng cao đời sống vật chất,
tinh thần của người dân, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu tỉnh Ninh
Bình đạt các tiêu chí trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó nhiệm
vụ cụ thể trong từng giai đoạn như sau:
Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh
sẽ hoàn thành sắp xếp đối với ĐVHC cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn
về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; ĐVHC cấp huyện đồng
thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200%
quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và
quy mô dân số dưới 300% quy định.
Thực hiện hợp nhất thành
phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư đồng thời sắp xếp các ĐVHC cấp xã trực thuộc, gắn
với định hình tính chất ĐVHC mới sau hợp nhất là: “Đô thị Cố đô - Di sản”, dựa
trên các giá trị độc đáo về địa lý tự nhiên - sinh thái, văn hóa - lịch sử, sở
hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đồng thời hoàn thiện các tiêu chí
công nhận ĐVHC mới sau hợp nhất là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; có vị thế
trung tâm du lịch vùng và quốc gia, mang giá trị toàn cầu; là trung tâm chính
trị - hành chính, văn hóa, kinh tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, dịch
vụ chất lượng cao, đầu mối hợp tác quốc tế của tỉnh Ninh Bình.
Điều chỉnh mở rộng địa giới
hành chính thành phố Tam Điệp gắn với sắp xếp ĐVHC cấp xã trực thuộc, phát triển
thành phố Tam Điệp theo định hướng trở thành đô thị công nghiệp - dịch vụ hiện
đại, chất lượng cao, thân thiện môi trường gắn với thế bố trí quốc phòng - an
ninh, kết nối và chuyển tiếp hài hòa, phù hợp với vùng Di sản Quần thể danh thắng
Tràng An và tạo động lực phát triển vùng Đông Nam huyện Nho Quan.
Giai đoạn 2026 - 2030,
hoàn thành sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 02 tiêu chuẩn
về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; ĐVHC cấp huyện đồng
thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200%
quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và
quy mô dân số dưới 300% quy định. Hướng tới xây dựng tỉnh Ninh Bình cơ bản đáp ứng
các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.