Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV: Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế- xã hội
Lượt xem: 170
Ngày 31/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV: Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế- xã hội

Quang cảnh phiên họp ngày 30/5. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Qua thảo luận, đa số các đại biểu bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Đặc biệt, trong bối nhiều nước trong khu vực và thế giới phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời giúp kinh tế nước ta phục hồi nhanh sau đại dịch COVID -19 và đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được quan tâm, quốc phòng, an ninh được tăng cường, chỉ số giá tiêu dùng CPI và các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo…

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, bất cập, hạn chế trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước thời gian qua, như: nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Do tích tụ bất cập nhiều năm, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Việc triển khai một số chính sách của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm.

Các đại biểu cũng thống nhất với nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới mà Chính phủ đã đề ra, đó là tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nắm chắc tình hình, tăng cường phân tích, dự báo, kịp thời đưa ra chính sách phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ về chiến lược, chuyển trạng thái đột ngột. Đồng thời, tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung cho các động lực tăng trưởng (về tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu); tận dụng tốt các cơ hội và tạo không gian phát triển mới…

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu tập trung cho ý kiến về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%; đề xuất các giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cải thiện thị trường tài chính, trái phiếu, bất động sản, chứng khoán, khôi phục sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp; tạo việc làm, giảm thất nghiệp. 

Đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay như: Chậm phê duyệt các quy hoạch, chậm cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; hạn chế trong phân bổ giải ngân vốn đầu tư công; bất cập trong giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân như: Ùn tắc đăng kiểm; điều hành thị trường xăng dầu; quy định mới về phòng cháy, chữa cháy; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; quản lý văn hóa trên không gian mạng…

 
Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH