Bí quyết giúp Quảng Ninh liên tiếp dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính
Lượt xem: 601
Giữ vững đà đổi mới, sáng tạo, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu khó khăn, thử thách, vì lợi ích nhân dân..., tỉnh Quảng Ninh đã vươn lên trở thành cực tăng trưởng kinh tế toàn diện khu vực phía bắc với nhiều dấu ấn nổi bật.
Dẫn đầu 4 chỉ số CCHC, Quảng Ninh bứt phá, trở thành cực tăng trưởng kinh tế toàn diện - Ảnh 1.

Một góc TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Kinh tế tăng trưởng; phát triển văn hóa, con người; bảo đảm an sinh, phúc lợi

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và phát huy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên của địa phương; khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực nội sinh; tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược, đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía bắc.

Niềm tự hào của Quảng Ninh là kinh tế liên tục tăng trưởng cao và giữ vững đà tăng trưởng 2 con số 7 năm liên tiếp (2016 - 2022) lập nên kỳ tích trong giai đoạn đổi mới. GRDP năm 2022 ước đạt 10,28%, thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 55.000 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

Tỉnh đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành hệ thống các công trình giao thông lớn như tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục I, tuyến cao tốc Hạ Long - Móng Cái đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số km cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay, tạo đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển và tạo ra nguồn lực mới rất to lớn.

Đặc biệt, chính sách chăm lo đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được quan tâm triển khai hiệu quả, đồng bộ; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng, miền.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết xuất phát từ tư duy phát triển, thực sự đổi mới toàn diện, mạnh mẽ, năm 2022 tỉnh Quảng Ninh về đích trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hiện, Quảng Ninh đang chuyển sang giai đoạn chuẩn nghèo đa chiều mới và giai đoạn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu hiện đại, văn minh gắn với đô thị hóa hài hòa, bền vững, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người nông dân, cư dân nông thôn. 

Dẫn đầu 4 chỉ số CCHC, Quảng Ninh bứt phá, trở thành cực tăng trưởng kinh tế toàn diện - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký trong một cuộc tiếp công dân định kỳ

Vai trò người đứng đầu, người dẫn dắt

Những năm qua tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, chỉ đạo triển khai hiệu quả, đồng bộ, tích cực các nội dung của cải cách hành chính (CCHC), trong đó, luôn đề cao vấn đề nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tỉnh thường xuyên chỉ đạo việc tổ chức, đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống của nhân dân, giúp các cấp chính quyền có giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân.

Đến năm 2023, tỉnh đã có 10 năm thực hiện đánh giá chỉ số CCHC và 6 năm đánh gia chỉ số đo lường sự hài lòng. Điều mà cả hệ thống chính quyền Quảng Ninh làm được đó là "dám nhìn thẳng sự thật", tập trung CCHC toàn diện với quyết tâm thực hiện thành công nhiều mô hình, cách làm mới.

Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, kết quả chỉ số CCHC năm 2022, tỉnh Quảng Ninh vinh dự đón nhận những thành tựu nổi bật khi lần thứ 2 (2020 và 2022) chinh phục vị trí dẫn đầu cả nước cả 4 chỉ số CCHC (PCI, PAPI, PAR Index và SIPAS).

Trong đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ ngôi vị Quán quân; Chỉ số CCHC (PAR Index) 5 năm dẫn đầu; Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) 4 năm dẫn đầu bảng xếp hạng và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2 năm dẫn đầu vị trí xếp hạng.

Kết quả này tiếp tục khẳng định niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về những nỗ lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Quảng Ninh; phản ánh thực chất, khách quan các giải pháp đồng bộ mà tỉnh đã triển khai trong thời gian qua.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh nhân tố con người, vai trò người đứng đầu, người dẫn dắt; sự vận hành hiệu quả cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra; năng lực quản trị phát triển bền vững địa phương thích ứng với sự thay đổi... chính là những yếu tố quyết định thành công.

Ông Nguyễn Xuân Ký cũng khẳng định Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước đưa mục tiêu giữ vị trí nhóm đầu 4 chỉ số CCHC vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và ban hành riêng Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về vấn đề này.

Dẫn đầu 4 chỉ số CCHC, Quảng Ninh bứt phá, trở thành cực tăng trưởng kinh tế toàn diện - Ảnh 3.

Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu, văn minh, giàu đẹp

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong Vùng Đồng bằng sông Hồng được phê duyệt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2023 là năm có tính bản lề thực hiện các mục tiêu mà tỉnh đặt ra và có ý nghĩa đặc biệt kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023). Trước thời cơ, thuận lợi mới, đan xen với nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh Quảng Ninh xác định tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân.

Mục tiêu đến năm 2025, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực phía bắc, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 10.000 USD.

Đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; duy trì tốc độ tăng trưởng của cả giai đoạn 2025 - 2030 khoảng 10%, GRDP bình quân đầu người hơn 15.000 USD.

Đến năm 2045, là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, để đạt được những mục tiêu trên, điều quan trọng là phải đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển; nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI; xây dựng, phát triển Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân./.


Theo baochinhphu.vn
  • Từ khóa :
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH