Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp trực tuyến với các địa phương về quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng và lưu vực sông Cửu Long
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Ninh Bình. Cùng có lãnh đạo đại
diện các sở, ngành, đơn vị có liên quan.
Quang cảnh tại điểm cầu Ninh Bình
Tại buổi họp, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong thời gian qua, sự gia tăng dân số, phát triển cơ sở hạ tầng các khu đô thị, công nghiệp tạo ra sức ép về cấp nước, tiêu, thoát nước, ngập úng. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vấn đề ngập lụt đô thị, ô nhiễm môi trường nước ngày càng gia tăng.
Diện tích sản xuất nông nghiệp của đồng bằng gia tăng đáng kể từ năm 1995 đến nay, diện tích gieo trồng lúa đã tăng 1,2 lần, nuôi trồng thủy sản tăng 2,8 lần, cây ăn quả tăng 2,2 lần, làm gia tăng nhu cầu cấp nước, gây quá tải cho các hệ thống thủy lợi phục vụ cấp nước, tiêu thoát nước.
Việc khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt và sản xuất là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lún sụt đất nền ở đồng bằng, làm gia tăng mức độ ngập úng (do lũ, do triều cường) và xâm nhập mặn.
Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển của đồng bằng diễn ra ngày càng nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản và sinh kế của người dân, thiệt hại cơ sở hạ tầng...
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng so với các vùng khác trên toàn quốc.
Các nghiên cứu cho thấy, trong 30 năm qua, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm, làm cho diện tích ngập triều và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, việc tiêu, thoát nước cũng khó khăn dẫn đến thời gian ngập thường bị kéo dài.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định Ninh Bình cơ bản thống nhất với Quy hoạch Thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tham mưu trình Chính phủ.
Đồng chí cho biết tỉnh Ninh Bình nằm ở vùng Hữu sông Hồng, chịu tác động trực tiếp của 2 hệ thống sông lớn là sông Đáy và sông Hoàng Long. Hàng năm, Ninh Bình đều chịu ảnh hưởng của mưa bão, đặc biệt là ở 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn.
Đồng chí đề xuất Quy hoạch cần đưa 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn ra khỏi vùng phân lũ, chậm lũ và thực hiện các giải pháp đầu tư để đảm bảo an toàn hồ đập và hệ thống đê điều, trên cơ sở hiện nay điều kiện cơ sở hạ tầng và hệ thống thủy lợi của tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu này.
Ninh Bình cũng là địa phương chịu ảnh hưởng, tác động lớn của thoát lũ qua cửa Đáy đổ ra biển Đông, do vậy Ninh Bình mong muốn khơi thông, chỉnh trị cửa Đáy để đảm bảo thoát lũ nhanh nhất cho khu vực. Đồng thời mong muốn trong quy hoạch cần đề cập cụ thể hơn, tập trung làm rõ, kỹ hơn quy trình vận hành hệ thống thủy lợi của toàn vùng, nhằm tiết kiệm đầu tư và đảm bảo cho công tác quy hoạch chung toàn vùng.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần có những quy hoạch thủy lợi: Vùng sinh thái ngọt, vùng sinh thái ngọt - lợ, vùng sinh thái mặn… Trong đó, lấy tài nguyên nước làm yếu tố cốt lõi, xác định biến đổi khí hậu, nước biển dâng là xu thế tất yếu phải sống chung và thích nghi.
Bên cạnh đó, cần chủ động điều tiết nguồn nước để cấp nước, tiêu thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước bền vững cho dân sinh và các ngành kinh tế; đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình sản xuất một cách linh hoạt; nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai, sẵn sàng ứng phó với trường hợp bất lợi nhất; đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận các nội dung tham luận của các đơn vị tham dự buổi họp, đồng thời nhấn mạnh các nội dung cần thực hiện như sau: Việc quy hoạch các công trình thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, đây là việc hết sức ý nghĩa, rất cần thiết và cấp bách. Đặc biệt với Đồng bằng sông Cửu Long, nước là trung tâm, khi xem xét đến tất cả các vấn đề về sinh kế và đáp ứng, cũng như vấn đề về biến đổi khí hậu, trong đó nước là cốt lõi, là xương sống quyết định đến sự định hình phát triển kinh tế. Đối với địa phương, các công trình quy hoạch thủy lợi phải liên hoàn, đồng bộ và kết hợp với ứng dụng công nghệ vào trong thực hiện.
Ngoài ra, đặt trong bối cảnh Đồng bằng sông Cửu Long với tình huống xấu nhất về vấn đề nếu có chuyển nước từ kinh đào Phù Nam - Campuchia thì chúng ta cũng có thể chủ động ứng phó trong việc đảm bảo nguồn nước để duy trì các hoạt động sản xuất. Trong đó, thiết kế các hồ chứa nước với các tiêu chí như các công trình vừa giải quyết được vấn đề cấp thiết vừa phải đáp ứng được nhu cầu phát triển lâu dài cho sản xuất và sinh hoạt.
Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi khi đầu tư phải được đồng bộ, khép kín, các kế hoạch đầu tư có thể phân kỳ nhưng phải mang lại hiệu quả. Trong đó, các kết hoạch và thiết kế hệ thống thủy lợi phải đảm bảo khu vực nào an ninh lương thực thì nơi đó phải được bảo đảm nguồn nước tưới tiêu.