Hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Tại điểm cầu Ninh Bình dự
hội nghị có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo
chuyển đổi số, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của UBND tỉnh, chủ trì
điểm cầu. Cùng dự có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh,
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; Các đồng chí thành viên
Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh; thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06
của UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh.
Hình ảnh hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình
Với sự chỉ đạo quyết liệt,
sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển
đổi số, cùng sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương đã đạt nhiều kết quả quan
trọng trong thực hiện các Chương trình, Kế hoạch, Chiến lược của Quốc gia về
chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực,
hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, tạo nhiều thuận
lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính và kinh
doanh, sản xuất, cụ thể: Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng
xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc công bố tháng 9/2024, tăng 15 bậc
so với 2022.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát
triển Chính phủ điện tử (EGDI) ở mức "Rất Cao". Tỷ lệ hộ gia đình có
Internet cáp quang đạt 82,4%, vượt mục tiêu đến năm 2025 là 80%. Tỷ lệ hồ sơ trực
tuyến toàn trình của cả nước đạt 45%, tăng 2,5 lần so với năm 2023; Cổng DVC quốc
gia tiếp tục phát huy hiệu quả với 4.475 thủ tục được tích hợp. Từ tháng 7/2024
dùng VNeID để đăng nhập, sử dụng DVC trực tuyến, khoảng 425.000 lượt/ngày tạo
thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Việt Nam thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ
tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới…
Đề án 06 tiếp tục được
triển khai từ Trung ương đến cơ sở, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng
hộ đánh giá cao, góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng,
hiệu quả trong quản lý công dân, tiết kiệm thời gian công sức, hạn chế tiêu cực,
tham nhũng vặt, tạo nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 54/76 dịch vụ công thiết yếu. Phần mềm dịch
vụ công liên thông đã được triển khai trên toàn quốc. Bộ Công an đã hoàn thành
cung cấp 35 tiện ích trên VNeID được người dân hưởng ứng. 63/63 địa phương đã
chính thức triển khai cấp Phiếu lịch Tư pháp trên VNeID với 129.695 hồ sơ phát
sinh trên ứng dụng VNeID. Chính thức triển khai định danh tổ chức với 4.793 hồ
sơ đăng ký trên toàn quốc. Tích hợp tính năng “Thông tin truy nã” để công khai
danh sách kèm thông tin của toàn bộ 8.019 đối tượng truy nã. Đến nay, đã số hóa
được hơn 3 triệu sổ hộ tịch, với hơn 95,8 triệu dữ liệu, phê duyệt - cập nhật
chính thức vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trên 79,3 triệu dữ liệu…
Tại hội nghị, Thủ tướng
Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình;
các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã thực hiện bấm nút
kích hoạt Hệ thống điều phối dữ liệu ngành y tế Gimedical.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng
Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực, trách
nhiệm cũng như những kết quả nổi bất của các bộ, ngành Trung ương và địa phương
trong triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả công cuộc chuyển đổi số quốc
gia, Đề án 06. Những kết quả là rất thiết thực mang lại thuận lợi cho người dân
và doanh nghiệp là rất rõ, doanh no, tạo sự chuyển biến quan trong toàn đảng; tạo
động lực và truyền cảm hứng cho cả hệ thống chính trị. Để tiếp tục triển khai
hiệu quả các nhiệm vụ Chuyển đổi số và Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sự
nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được,
khắc phục những điểm hạn chế; với quyết tâm cao, đổi mới tư duy và hành động, nâng
cao công tác lãnh đạo chỉ đạo, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai
thực hiện các nhiệm vụ trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách
nhiệm, rõ kết quả; đồng thời phải toàn dân, toàn diện, toàn trình ở tất cả các
ngành, các cấp phù hợp với xu thế của thế giới và nhu cầu của Nhân dân. Lấy người
dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể để phát triển Khoa học công nghệ
và chuyển đổi số.
Trọng tâm là tăng tốc bứt
phá về hạ tầng số, nhân lực số, xã hội số, quyết liệt triển khai chuyển đổi số
để tạo bước đột phá, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi
số đã đề ra trong Nghị quyết số 03 của Chính phủ thực hiện tốt Nghị quyết
số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng
tạo và chuyển đổi số quốc giavà chương trình hành động về khoa học, công
nghệ, đổi mới sáng tạo, phục vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Các bộ,
ngành, địa phương phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện trên môi trường số. Đến
tháng 6/2025, lãnh đạo các cấp phải chỉ đạo xử lý công việc trên hệ thống điện
tử. Đến tháng 9/2025, 100% cán bộ công chức, viên chức cấp xã, huyện, tỉnh phải
làm việc trên môi trường số…. Với tinh thần “tăng tốc, bứt phá”, Thủ tướng yêu
cầu Chuyển đổi số đảm bảo hiệu quả, thực chất, đưa công nghệ số lan tỏa đến mọi
lĩnh vực của nền kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ, tạo ra bước
nhảy vọt về năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; xây dựng nền tảng vững chắc
cho kinh tế số, xã hội số phát triển mạnh mẽ; góp phần thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế 2 con số trong giai đoạn tới; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến.
Sau khi hội nghị kết thúc,
phát biểu tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành,
địa phương trong tỉnh đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi số Ninh Bình
năm 2025 đảm bảo cụ thể, hiệu quả./.