UBND tỉnh yêu cầu chủ động tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát tình hình dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát trở lại
Lượt xem: 1603
Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay.

Trong 7 ngày vừa qua (từ 05/4 đến 11/4/2023), cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc mới, trung bình có 90 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó, trong đó nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới). Số ca nhập viện có xu hướng gia tăng; số bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca, trung bình ghi nhận 1-2 ca nặng mỗi ngày, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.

Hiện tổ chức Y tế Thế giới vẫn đánh giá dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng vi rút, các biến thể mới trong tương lai. Mặc dù trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ nhập viện, chuyển nặng và tử vong đã giảm đáng kể so với một năm trước đây, tuy nhiên một số nhóm vẫn có nguy cơ cao chuyển nặng hoặc tử vong khi mắc bệnh, bao gồm nhóm người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, do đó cần tập trung ưu tiên bảo vệ các nhóm đối tượng này. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm.... cũng có nguy cơ gia tăng số mắc dẫn đến gây nguy cơ dịch chồng dịch.

Để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát tình hình dịch, không để dịch bùng phát trở lại, góp phần tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội; ngày 12/4, Bộ Y tế ban hành văn bản số 2116/BYT-DP đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 38/NQCP ngày 17/3/2022 của Chính phủ và Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2023 tại Quyết định số 1331/QĐ-BYT ngày 10/3/2023 của Bộ Y tế. Thúc đẩy tiêm vắc xin phòng COVID-19 đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2; chỉ đạo tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong và thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị; chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân và chủ động nâng cao năng lực điều trị, nhất là năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực để đáp ứng yêu cầu điều trị; tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó cần tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ trong thời gian tới. Tập trung thông tin về lợi ích, tác dụng của vắc xin; bám sát xu hướng tâm lý của người dân, xã hội, nâng cao tự tin tưởng của cộng đồng và vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Thực hiện Văn bản số 2116/BYT-DP của Bộ Y tế; ngày 13/4, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành văn bản số 256/UBND-VP6 về việc chủ động tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, để tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát tình hình dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát trở lại, UBND tỉnh yêu cầu: Các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tích cực chủ động, phối hợp với ngành Y tế tuyên truyền, quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và của tỉnh trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Sở Y tế theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đảm bảo kịp thời, an toàn, phù hợp với tình hình thực tế; chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung yêu cầu của Bộ Y tế tại Văn bản trên; trường hợp có khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương án giải quyết, báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo; thường xuyên cập nhật tình tình, kết quả thực hiện, báo cáo Bộ Y tế, UBND tỉnh theo quy định.

Minh Huế

  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH