Phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao
Nông thôn mới Ninh Bình
Các sở, ban, ngành, UBND
các huyện, thành phố: Quyết liệt tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các
nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh.
Tăng cường tháo gỡ các khó khăn,
vướng mắc liên quan tới việc khai thác cung ứng vật liệu xây dựng: Kịp thời
công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng
đảm bảo đẩy đủ, phù hợp với giá thị trường, đúng quy định pháp luật; chủ động
phối hợp với các cơ quan địa phương lân cận có nguồn mỏ vật liệu, đất, cát,…
nghiên cứu, dành một phần trữ lượng để điều phối, cung ứng cho các dự án trọng
điểm, quan trọng quốc gia trên địa bàn, đang thiếu hụt nguồn cung, đảm bảo đủ vật
liệu theo tiến độ cho nhu cầu thi công các dự án; chỉ đạo chủ đầu tư/ban quản
lý dự án rà soát Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng của các dự án để kịp thời bổ
sung, điều chỉnh bảo đảm đủ nguồn và công suất khai thác vật liệu san lấp cho
nhu cầu dự án.
Tăng cường sự phối hợp giữa các
cơ quan liên quan để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền đẩy nhanh quá trình tiếp
nhận và đàm phán, ký kết, phê chuẩn hiệp định vay vốn ODA; quản lý, sử dụng vốn
vay ODA; đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối thông tin, báo cáo giải trình, giám sát sự
tuân thủ quy định, quy trình, tiến độ, hiệu quả, mục tiêu của dự án (tránh bị động
trong triển khai thực hiện dự án sử dụng vốn ODA, giảm thiểu các điều chỉnh dự
án, gây thiệt hại về vốn và hiệu quả dự án).
Các Chủ đầu tư, Ban quản lý
dự án
Xây dựng kế hoạch giải ngân theo
từng tuần, tháng, quý cho từng nhiệm vụ, dự án; phân công Lãnh đạo chịu trách
nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án theo kế
hoạch đã đặt ra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; kết quả giải
ngân của từng nhiệm vụ, dự án được phân công theo dõi là căn cứ để đánh giá,
bình xét thi đua của các cơ quan, đơn vị và mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024
của người đứng đầu, cũng như lãnh đạo phụ trách.
Thực hiện các thủ tục thanh toán
vốn đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có khối lượng được nghiệm
thu theo quy định, không để dồn thanh toán vào cuối năm; khẩn trương hoàn thiện
thủ tục phê duyệt quyết toán, giải ngân vốn đối với các dự án đã hoàn thành đưa
vào sử dụng; Tăng cường năng lực tổ chức thực
hiện dự án ODA, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ
chuyên môn cao.
Chủ đầu tư các dự án thực hiện
ngay việc rà soát, đánh giá tình hình triển khai, khả năng giải ngân của từng dự
án được bố trí vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch
đầu tư công năm 2024 vốn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh (nhất là các dự
án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt quyết định đầu
tư, chưa đủ điều kiện phân bổ, giao chi tiết vốn theo quy định); báo cáo đề xuất
phương án, kế hoạch triển khai trong thời gian tới với các mốc thời gian cụ thể
đối với từng công việc, nhiệm vụ; đề xuất phương án điều chỉnh lại nhu cầu vốn
cho dự án, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng 6 năm 2024 để tổng hợp.
Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan thanh tra, kiểm tra,
kiểm toán, giám sát và trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu chậm trễ, không
kịp thời báo cáo, đề xuất, dẫn đến dự án không triển khai thực hiện và giải
ngân vốn đáp ứng tiến độ yêu cầu
Sở Giao thông vận tải tập
trung cao, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án Đầu tư xây dựng tuyến
đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, nhất là công
tác lập, trình thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, đảm bảo tiến độ,
chất lượng, trình tự thủ tục theo quy định hiện hành của pháp luật; phấn đấu khởi
công dự án trong năm 2024. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin,
tài liệu liên quan đến dự án cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện: Yên Khánh,
Yên Mô để triển khai các công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng dự án.
Ủy ban nhân dân các huyện:
Yên Khánh, Yên Mô tập trung, chủ động rà soát, nghiên cứu, xây dựng phương án về
bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, nhằm chuẩn bị sẵn sàng các
điều kiện và triển khai thực hiện ngay dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao
tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình khi có đủ cơ sở pháp lý theo
quy định, đáp ứng yêu cầu tiến độ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư
Thực hiện ngay việc rà soát tổng
thể tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn
2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh (bao gồm cả vốn ngân sách
trung ương và vốn ngân sách tỉnh), đánh giá cụ thể khả năng giải ngân của từng
dự án trong các năm 2024, năm 2025; đặc biệt là những dự án chưa đủ thủ tục
theo quy định, chưa được phân bổ, giao chi tiết vốn (chưa được phê duyệt chủ
trương đầu tư, đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt quyết định
đầu tư); từ đó xây dựng phương án điều chỉnh, cắt giảm kế hoạch vốn của những dự
án triển khai chậm, không có khả năng giải ngân hết vốn kế hoạch đầu tư công
trung hạn và hàng năm, đề xuất bổ sung vốn để triển khai các dự cần thiết, các
dự án trọng tâm, quan trọng, có nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn cao để sớm hoàn
thành, đưa vào khai thác, sử dụng; tham mưu cụ thể trình tự, thủ tục báo cáo cấp
có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh
trước ngày 19 tháng 6 năm 2024.
Tiếp tục rà soát, tham mưu cho UBND
tỉnh phương án bố trí vốn để thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước ngân sách trung
ương chưa thu hồi, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật đầu tư công và Nghị
quyết số 93/2023/QH15 của Quốc hội.
Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các
cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh
tại Công văn này, đáp ứng yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban
nhân dân tỉnh. Trong quá trình thực hiện, chủ động giải quyết các khó khăn, vướng
mắc theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, tham mưu phương án giải quyết,
kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.