Kiểm soát ô nhiễm môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão
Nhiều nhà cửa ở thôn Ngọc Nhị (xã Gia Thủy) ngập sâu trong nước (ảnh báo Ninh Bình)
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường
đề nghị các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Điện
Biên, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh
Bình, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc
Giang, Hải Dương, Bắc Kạn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa:
Duy trì công tác thu gom và xử lý
chất thải phát sinh hàng ngày từ các hoạt động kinh tế - xã hội; tổ chức thực
hiện thu gom rác thải, bùn đất trôi dạt do bão lũ, tăng cường hoạt động vệ sinh
môi trường, khơi thông dòng chảy đối với các hệ thống thu gom, thoát nước tại
các đô thị và khu vực tập trung dân cư, chợ, khu vực dịch vụ thương mại.
Với các khu vực có nguy cơ phát
tán ô nhiễm cao (như bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, điểm tập kết chất thải
rắn, khu xử lý chất thải rắn, kho hóa chất, kho thuốc bảo vệ thực vật, cơ sở sản
xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cơ sở y tế, khu vực, cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập
trung…), chỉ đạo chủ cơ sở, tổ chức được phân công quản lý có phương án chủ động
khoanh vùng, cô lập, xử lý tại chỗ hoặc chuyển giao chất thải, đặc biệt là chất
thải nguy hại, lây nhiễm; tăng cường trang thiết bị và tần suất vận chuyển chất
thải đến khu xử lý chất thải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Rà soát, thống kê, theo dõi và
phát hiện kịp thời, lập phương án sẵn sàng để có biện pháp ứng phó, xử lý khẩn
cấp trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường do mưa lũ sau bão và sạt lở đất, đặc
biệt là sự cố rò rỉ, bục, vỡ hồ chứa, bãi chứa chất thải, bãi đất đá thải của
các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản; phát tán nguyên liệu, sản phẩm, chất
thải từ cơ sở sản xuất phân bón, hoá chất, luyện kim; sự cố ngập lụt các nhà
máy nhiệt điện than và cơ sở xử lý chất thải trên địa bàn. Tăng cường phát huy vai trò,
trách nhiệm giám sát của cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa
phương, chính quyền các cấp đối với các cơ sở, khu vực nêu trên; không để lợi dụng
tình hình thiên tai và mưa lũ, thực hiện hoạt động xả thải chất thải không được
xử lý theo quy định ra môi trường, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
về bảo vệ môi trường (nếu có).
Chủ động đánh giá, xác định các
nguy cơ xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường do sự cố, thiên tai trên địa bàn;
xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án phòng ngừa ô nhiễm, đặc biệt là ô
nhiễm nguồn nước nếu xảy ra hiện tượng rò rỉ kho chứa hóa chất, vỡ hồ chứa nước
thải; tắc, vỡ hệ thống thu gom, thoát nước thải; hư hỏng chuồng trại chăn nuôi,
chất thải phát sinh sau lũ lụt gồm xác động vật chết, cây cối hoa màu bị phân hủy
do ngâm nước lâu ngày; theo dõi, phát hiện nguy cơ dịch bệnh ở người và động vật
để cảnh báo, thông báo tới người dân và thực hiện các biện pháp thu gom, quản
lý chất thải theo hướng dẫn của các ngành y tế, nông nghiệp; Huy động nguồn lực, hỗ trợ địa
phương các hoá chất, thiết bị cần thiết để bảo vệ các nguồn nước có vai trò
quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt các nguồn nước cấp phục vụ
sinh hoạt.
Thực hiện nội dung tại văn bản trên, ngày 16/9/2024, UBND tỉnh ban hành văn bản 43/UBND-VP3 giao các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai
các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa
lũ sau bão theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trương tại văn bản trên. UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn
vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công
tác kiểm soát ô nhiễm môi trường sau, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau
bão; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên
và Môi trường theo quy định.