Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/7
Lượt xem: 93
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/7.
anh tin bai

Ảnh minh họa

Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật 

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vừa ký Quyết định số 81/QĐ-BCĐ RSXLVBQPPL ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo này.

Kế hoạch xác định nội dung các công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo theo Quyết định số 603/QĐ-TTg ngày 8/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật...

Một trong những nội dung của Kế hoạch là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Bộ Tư pháp) chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện xây dựng các văn bản về tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo; triển khai đôn đốc xử lý đối với các kết quả rà soát đã được chỉ ra tại Báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV và chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương thực hiện rà soát để phát hiện vướng mắc, bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ.

Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Bộ Tư pháp) chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thành lập Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo; tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo trình Chính phủ về kết quả rà soát vướng mắc, bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ.

Đầu tháng 8 năm 2024 tổ chức phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo, cho ý kiến nội dung chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Báo cáo về kết quả rà soát vướng mắc, bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ; đôn đốc, chỉ đạo, cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến xây dựng một luật sửa đổi, bổ sung một số luật.

Tháng 9 năm 2024 tổ chức phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo cho ý kiến đối với Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc lập đề nghị xây dựng một luật sửa đổi, bổ sung một số luật; chỉ đạo đối với các vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng luật (nếu có) và một số vấn đề khác trong triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo...

Sửa quy định thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước 

Ngày 25/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước. 

Sửa quy định về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước

Cụ thể, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật có liên quan.

Tại Nghị định số 97/2024/NĐ-CP, quy định trên được sửa thành: Thủ tướng Chính phủ thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật có liên quan đối với các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Phụ lục I Nghị định số 97/2024/NĐ-CP nêu rõ, doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước gồm: 1- Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; 2- Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; 3- Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; 4- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; 5- Tập đoàn Điện lực Việt Nam; 6- Tập đoàn Hoá chất Việt Nam; 7- Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; 8- Doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư vốn để thành lập mới theo quy định tại Điều 11 Luật số 69/2014/QH13.

Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP, cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nghị định số 97/2024/NĐ-CP nêu rõ: Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật liên quan đối với:

1- Doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập;

2- Doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu được giao quản lý hoặc được giao trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, bao gồm cả các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có hiệu lực thi hành và không có tên tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này;

3- Phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Ban Kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên

Về quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về quản lý cán bộ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, theo Nghị định số 97/2024/NĐ-CP, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với Kiểm soát viên theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy mô của doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban Kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu lựa chọn, quyết định bổ nhiệm cán bộ, công chức do mình quản lý làm Kiểm soát viên và có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp cho cán bộ, công chức khi thôi làm Kiểm soát viên.

Về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị hạch toán phụ thuộc

Theo Nghị định số 10/2019/NĐ-CP, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập có quyền đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn điều lệ; sửa đổi, bổ sung Điều lệ; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản doanh nghiệp. Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị phụ thuộc sau khi đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương.

Tại Nghị định số 97/2024/NĐ-CP, quy định trên được sửa thành: Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập có quyền đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh vốn điều lệ; sửa đổi, bổ sung Điều lệ; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản doanh nghiệp. Quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị hạch toán phụ thuộc theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu biết trong vòng 180 ngày kể từ ngày thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị hạch toán phụ thuộc.

Việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng.

Việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ doanh nghiệp.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/9/2024.

Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo 

 Ngày 25/7/2024, Văn phòng Chính phủ có văn bản 348/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá giáo dục và đào tạo là lĩnh vực hết sức quan trọng, quyết định chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, được xã hội đặc biệt quan tâm và được Đảng, Nhà nước xác định là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển nhanh và bền vững.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả đã đạt được của ngành Giáo dục trên các mặt công tác nhất là về: Hoàn thiện thể chế, chính sách đổi mới giáo dục, đào tạo; tổ chức hệ thống giáo dục, đào tạo từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của Nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước; chất lượng giáo dục các cấp học được cải thiện; chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai bước đầu hiệu quả; chất lượng giáo dục mũi nhọn được khẳng định vị thế trên thế giới; hợp tác quốc tế về giáo dục ngày càng tốt hơn; công tác đánh giá chất lượng giáo dục thực chất hơn.

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 đã được tổ chức an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các em thí sinh.

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, ngành Giáo dục còn những khó khăn, hạn chế, bất cập cần được tiếp tục chia sẻ và đề ra giải pháp khắc phục như vấn đề thiếu trường, lớp học; tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học còn thấp; thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn chưa bảo đảm; chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo còn chưa đáp ứng được yêu cầu...

Hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Nhà giáo bảo đảm chất lượng, tiến độ

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của ngành Giáo dục, những nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, từng bước khắc phục những khó khăn, vướng mắc của ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan chú trọng triển khai một số nội dung trọng tâm sau:

Tập trung rà soát và có cách tiếp cận tổng thể, toàn diện trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về giáo dục, đào tạo, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch, chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo; hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Nhà giáo bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định.

Đối với các văn bản, đề án đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà còn ý kiến khác nhau: Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hiệu quả, khả thi với quan điểm "làm việc nào làm dứt việc đó".

Khắc phục từng bước vấn đề thiếu trường lớp học cấp mầm non, phổ thông ở Hà Nội, TPHCM

Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, rà soát và đề xuất các biện pháp, giải pháp cụ thể về các vấn đề có tính đặc thù nhằm khắc phục từng bước những bất cập trong hệ thống giáo dục, đào tạo ở các địa phương (trong đó có vấn đề thiếu trường lớp học cấp mầm non, phổ thông ở Hà Nội, TPHCM...).

Đối với đề xuất, kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát, tham mưu Phó Thủ tướng Chính phủ họp với các bộ, cơ quan liên quan để xử lý từng kiến nghị cụ thể.

Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về đề xuất kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt 

 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 350/TB-VPCP ngày 25/7/2024 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về đề xuất kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020, trong đó đã xác định mục tiêu, giải pháp, tiến độ, nội dung thực hiện cụ thể. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu hoàn thành sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống thông tin tín hiệu tại các đường ngang vẫn chưa đạt được theo yêu cầu.

Việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu tại các đường ngang còn lại trong số 566 đường ngang là rất cần thiết, cấp bách, cần triển khai ngay nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn chạy tàu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát, lập danh mục và dự kiến kinh phí thực hiện sửa chữa 184 đường ngang còn lại. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm rà soát, xác định nhu cầu vốn thực hiện trong năm 2024 và năm 2025, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 năm 2024 (trong đó xác định rõ hình thức văn bản của Thủ tướng Chính phủ và dự thảo văn bản theo quy định).

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan bố trí đủ nguồn kinh phí trong năm 2024 theo đúng quy định pháp luật và hoàn thành việc sửa chữa toàn bộ 566 đường ngang chậm nhất trong năm 2025.

Tập trung hoàn thành 184/566 đường ngang

Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan cần tập trung để hoàn thành 184/566 đường ngang. Quá trình triển khai thực hiện, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán bảo đảm tuân thủ quy định về quản lý chi phí, đơn giá, định mức…; tổ chức sửa chữa các đường ngang bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và không để xảy ra tiêu cực, lãng phí; chịu trách nhiệm về việc quản lý sử dụng nguồn vốn được giao, bảo đảm đúng quy định pháp luật (không trùng lặp nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước và nguồn vốn khác đã giao của Bộ Giao thông vận tải).

Về báo cáo tổng kết kết quả thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao, báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ giao tại Quyết định số 994/QĐ- TTg 19/6/2014 gửi đến Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15/8/2024 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải báo cáo tổng kết toàn diện kết quả thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014, nêu rõ tồn tại hạn chế, bất cập, nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan, địa phương; chỉ rõ những bất cập, tồn tại liên quan đến công tác quy hoạch, phát triển đô thị, thể chế; đề xuất giải pháp xử lý tổng thể (xác định rõ nguồn lực, thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt theo quy định của pháp luật hiện hành) để giải quyết đồng bộ, hiệu quả, khả thi; báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/8/2024./.

Theo Chinhphu.vn
  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
1 2 3 4 5  ... 
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH