Yên Khánh: Quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường
Lượt xem: 135
Người dân huyện Yên Khánh đang tích cực đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn không chất thải.

 

Yên Khánh: Quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, huyện Yên Khánh và hội viên nông dân tham quan mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường tại xã Khánh Công.

Cuối năm 2023, sau khi được Hội Nông dân các cấp tập huấn, hướng dẫn về mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường, ông Phạm Trọng Việt (thị trấn Yên Ninh) đã áp dụng mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày và nuôi sâu canxi làm thức ăn hữu cơ.

Từ chuồng trại nuôi lợn kém hiệu quả, ông Việt chuyển đổi sang mô hình nuôi ếch, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày. Để có nguồn thức ăn hữu cơ phục vụ chăn nuôi, ông xây dựng khu nuôi sâu canxi rộng khoảng 20 m2. Ông Việt chia sẻ: "Nuôi sâu canxi rất đơn giản. Từ nguồn con giống ấu trùng do Hội Nông dân tỉnh cấp, sau gần 2 tuần nuôi, ấu trùng sinh trưởng nhân đàn lên gấp nhiều lần. Thức ăn của sâu là chất thải động vật, các phế phẩm rau xanh, bã đậu-rất dễ kiếm và không tốn nhiều chi phí. Sâu trưởng thành, vỏ kén sâu có thể cho gà, ếch ăn trực tiếp. Vì vậy, áp dụng nuôi sâu canxi vừa giúp xử lý triệt để môi trường, vừa tạo nguồn thức ăn chăn nuôi "0 đồng" chất lượng cao, giảm thiểu chi phí sản xuất".

Đối với mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học, theo ông Việt, từ khi áp dụng phương thức chăn nuôi này, mùi hôi từ chuồng trại gần như được triệt tiêu hoàn toàn. Nhờ men vi sinh, chất thải phân hủy nhanh, hạn chế được dịch bệnh trong chăn nuôi…

"Trước đây, chi phí thức ăn chiếm phần lớn trong chăn nuôi của gia đình tôi. Sau thời gian nuôi gà bằng sâu canxi, vật nuôi nhanh lớn, ít bệnh, lông mượt hơn, chất lượng thịt thơm ngon. Giá bán gà cũng cao hơn so với nuôi thông thường từ 10.000-15.000 đồng/kg", ông Việt cho biết thêm.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn không chỉ giúp nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn mà còn giải quyết được bài toán về môi trường.

Yên Khánh Sản xuất nông nghiệp thân thiện môi trường lên ngôi
Mô hình nuôi sâu canxi để làm thức ăn cho gà, ếch của gia đình ông Phạm Trọng Việt (thị trấn Yên Ninh) cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Đồng chí Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Yên Ninh thông tin: "Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học, nuôi sâu canxi thuộc dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế". Được áp dụng triển khai từ năm 2022, dự án được hội viên, nông dân thị trấn hưởng ứng nhiệt tình. Đến nay, trên địa bàn có hơn 130 mô hình áp dụng các giải pháp kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường và mang lại hiệu quả thiết thực".

Hơn 10 năm nay, bà Phạm Thị Sợi (xã Khánh Công) chuyển sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi rươi và cáy. Bà Sợi chia sẻ: "Với mô hình này, chúng tôi không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân vô cơ vì sẽ ảnh hưởng đến rươi và cáy. Sau nhiều năm áp dụng, hệ sinh thái dần phục hồi, môi trường đồng ruộng được cải tạo. Ngoài con rươi thì các loại như cáy, ốc, tôm, cá cũng xuất hiện nhiều hơn. Mô hình không chỉ cho sản phẩm lúa gạo chất lượng, giá cao mà mỗi vụ, chúng tôi còn có thu nhập từ 300.000-500.000 đồng/sào từ việc bán rươi, cáy..."

Tận dụng lợi thế tự nhiên, thời gian qua, xã Khánh Công đã khuyến khích bà con nông dân nhân rộng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp khai thác rươi và cáy tạo ra sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu Khánh Công. Toàn xã hiện có hơn 10 ha lúa hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy và đang tiếp tục mở rộng diện tích. Mô hình kỳ vọng mở ra hướng đi mới, giúp nông dân thay đổi nhận thức trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích, tạo động lực phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Ngoài mô hình trên, xã Khánh Công còn phát triển rất hiệu quả các mô hình như: Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình và địa bàn dân cư, sử dụng chế phẩm Sumitri để xử lý rơm, gốc rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch bảo vệ môi trường,…

Đồng chí Đỗ Gia Hiểu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Công cho biết: "Để triển khai các mô hình, chúng tôi hỗ trợ hội viên nông dân về kỹ thuật và một phần chi phí sản xuất. Các mô hình dựa trên nền kỹ thuật canh tác cải tiến, góp phần bảo vệ chất đất, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế".

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Yên Khánh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao uy tín, giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội Nông dân huyện đã phối hợp triển khai 2 mô hình sản xuất lúa theo phương pháp cải tiến SRI tại Khánh Cường, Khánh Trung; mở rộng 60 mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường tại Khánh Công, Khánh Hòa, thị trấn Yên Ninh; thành lập 1 chi hội nghề nghiệp trồng táo theo hướng VietGAP tại Khánh Thành…

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Khánh chia sẻ: "Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài. Vì vậy, thời gian tới, Hội Nông dân các cấp trong huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân trong sử dụng và tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện tốt mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình và địa bàn dân cư; khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường. Tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình "Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật", xây dựng mô hình vườn mẫu, mô hình xử lý rơm, gốc rạ trên đồng ruộng sau thu hoạch, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu".

  • Từ khóa :

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH