Thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Lượt xem: 1866
Những năm gần đây, cơ giới hóa nông nghiệp tại Ninh Bình đã có những bước phát triển đáng khích lệ; nhiều loại máy, thiết bị được áp dụng rộng rãi trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động và giá trị nông sản. Tuy nhiên, để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng đồng bộ máy móc vào các khâu của quá trình sản xuất thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Đại diện Ban quản trị các HTX nông nghiệp tham quan gian trưng bày giới thiệu sản phẩm máy nông nghiệp tại Hội thảo thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp do Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức. Ảnh: Minh Đường

Số lượng máy nông nghiệp tăng nhanh 

Những ngày này, khi vụ thu hoạch lúa Đông Xuân bắt đầu, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc máy gặt đập liên hoàn, máy cuộn rơm đang chạy hết tốc lực trên khắp các cánh đồng giúp nông dân thu hoạch lúa. Ông Trịnh Xuân Đào (thôn Trường Thịnh, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) cho biết: Nếu như trước đây, tất cả các khâu từ làm đất đến chăm sóc, thu hoạch... đều phải làm thủ công thì đến nay hầu hết đã được áp dụng cơ giới hóa. 5-6 sào lúa, máy thu hoạch khoảng 20 phút là xong, thóc được đóng luôn vào bao, nông dân chỉ sẵn mang về phơi. Việc cầy xới, tưới tiêu cũng tương tự. Máy móc đã giúp nông dân chúng tôi giảm rất nhiều sức lao động. 

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong những năm qua, nhờ hàng loạt các chính sách hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã góp phần tăng mạnh số lượng máy móc trên đồng ruộng. Không chỉ có máy làm đất, máy bơm nước, máy gặt mà còn có thêm rất nhiều loại máy móc tiên tiến, từ trước tới nay nông dân chưa từng "mơ" tới như: Máy bay bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật; hệ thống tưới nước tiết kiệm, điều khiển từ xa; máy cấy, máy cuộn rơm, máy lên luống, máy gieo hạt... 

Qua rà soát, hiện nay, mức độ cơ giới hóa khâu làm đất của tỉnh ta đạt trên 98%; chăm sóc, tưới trên 95%; phun thuốc bảo vệ thực vật 80%; khâu thu hoạch đạt gần 95%, khâu gieo cấy đã được tăng lên đáng kể, đạt gần 30%. Thực tế, cơ giới hóa đồng bộ đang trở thành "chìa khóa" để nâng cao giá trị sản xuất trên đồng ruộng. 

Một ví dụ đơn giản: Nếu cấy bằng máy chỉ mất khoảng 300 nghìn đồng/sào (tính cả tiền giống), trong khi sử dụng lao động thủ công, riêng công cấy đã 300- 350 nghìn đồng/sào, chưa kể công làm đất, gieo mạ, nhổ mạ… Hay khi sử dụng máy bay điều khiển từ xa phun thuốc bảo vệ thực vật, chi phí dao động từ 25-28 nghìn đồng/sào/lần phun, trong khi phun theo phương pháp thủ công 35 nghìn đồng/sào. Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy còn có sự đồng đều, tiết kiệm hơn 10% lượng thuốc và chi phí. Không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, cơ giới hóa còn hóa giải được bài toán về lao động cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụở nông thôn (làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản...). 

Tiếp tục cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất 

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, mức độ cơ giới hóa của tỉnh vẫn chưa đồng bộ và toàn diện. Một số khâu như: gieo cấy, sơ chế, chế biến sâu mức độ cơ giới hóa còn thấp. Trong bối cảnh lực lượng lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp trở thành xu hướng phổ biến. Tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là vào các mùa vụ chính thì việc tháo gỡ các khó khăn nội tại để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này là yêu cầu bức thiết. 

Ông Lê Văn Hải, Giám đốc HTX Khánh Mậu, huyện Yên Khánh chia sẻ: Thời điểm này, để vận động nhân dân chuyển từ gieo sạ sang cấy tay rất khó khăn và không khả thi vì lao động trong nông nghiệp không còn nhiều. Cách duy nhất là đưa máy móc vào và HTX phải đứng ra làm dịch vụ cho nông dân. 

Phát biểu tại Hội thảo thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và PTNT) tổ chức mới đây, ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Đầu tư cho cơ giới hóa chính là cơ sở để ngành Nông nghiệp tỉnh ta phát triển đột phá. Cơ giới hóa sẽ góp phần bổ sung sức lao động cho nông nghiệp; bảo đảm thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất, giảm chi phí và tăng thu nhập cho nông dân. 

Cũng theo ông Đinh Văn Khiêm, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2022 quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022- 2025. Trong đó, có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhất là ở 2 khâu còn yếu là gieo cấy và chế biến sau thu hoạch. Việc các địa phương cần làm hiện nay là đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, tạo thuận lợi cho việc đưa máy móc hiện đại vào sản xuất; tăng cường kết nối các tổ chức, cá nhân, HTX làm dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để xây dựng chuỗi cơ giới hóa nhằm tối ưu hóa công suất máy. 

Về phía đơn vị cung ứng máy, ông Phạm Ngọc Hà, chủ Đại lý máy nông nghiệp Ngát Nhung (xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh) chia sẻ: Hàng năm, Đại lý của chúng tôi cung ứng ra thị trường trên 100 máy cấy các loại, khoảng 50 máy gặt và gần 100 máy cuộn rơm... Bám sát và các chủ trương, định hướng của tỉnh, của ngành Nông nghiệp, tới đây, Đại lý sẽ mở rộng liên kết với các tập đoàn, công ty trực tiếp sản xuất máy và thiết bị, phụ tùng nông nghiệp để cung cấp đa dạng các dòng sản phẩm phục vụ người dân. Cùng với đó là các chính sách cho phép người mua hàng trả chậm; hỗ trợ lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng. 

Có thể khẳng định, hiện nay, các điều kiện, cơ chế để mở đường cho cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp rất thông thoáng, thuận lợi. Vấn đề còn lại là làm thế nào để nâng cao nhận thức, thay đổi suy nghĩ, cách làm của đội ngũ cán bộ cơ sở và người dân để triển khai có hiệu quả các chính sách này. Từ đó, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại và bền vững, nông dân có thu nhập tốt hơn và không còn phải "chân lấm tay bùn" như trước kia. 

Baoninhbinh.org.vn
  • Từ khóa :
image
BẢN ĐỒ TỈNH NINH BÌNH