Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Ninh
Bình hoạt động dựa trên phát huy lợi thế riêng có của hệ thống tổ chức Hội từ
Trung ương đến cơ sở xã, phường, thị trấn và các chi, tổ Hội tại thôn, xóm; cán
bộ Hội các cấp đều tham gia vào quá trình lựa chọn bình xét hộ vay; lựa chọn địa
bàn thực hiện dự án; kiểm tra, giám sát quá trình cho vay, sử dụng vốn của hộ
vay; thẩm định hồ sơ, dự án vay vốn… nên chất lượng cho vay luôn được đảm bảo,
không có tình trạng vay hộ, xâm tiêu, chiếm dụng, sử dụng vốn sai mục đích. Hoạt
động Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Ninh Bình qua đó có những bước phát triển mạnh mẽ,
được các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đánh giá cao.
Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Hỗ trợ
cho vay với mức phí (lãi suất) thấp so với vay thương mại; mức cho vay phù hợp
với mặt bằng sản xuất kinh doanh và khả năng chi trả của các đối tượng; thời
gian cho vay phù hợp; đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn vốn của các đối tượng bằng
việc đơn giản hóa thủ tục vay vốn với các điều kiện, tiêu chí phù hợp với đối
tượng vay.
Những kết quả đạt được của Quỹ Hỗ
trợ nông dân từ khi thành lập đến nay được thể hiện qua hiệu quả kinh tế và xã hội.
Hiệu quả kinh tế
Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Ninh
Bình hoạt động không vì lợi nhuận, không phải thế chấp tài sản khi vay vốn, phí
vay ưu đãi, thủ tục cho vay đơn giản... đã đáp ứng được một phần nhu cầu về vốn
của hội viên, nông dân để phát triển sản xuất, góp phần hạn chế, đẩy lùi nạn
tín dụng đen ở khu vực nông thôn. Cách thức tổ chức hoạt động cho vay của Quỹ Hỗ
trợ nông dân đơn giản nhưng đảm bảo hiệu quả, tận dụng hiệu quả lợi thế mạng lưới
rộng khắp của tổ chức Hội Nông dân trong toàn tỉnh, thẩm định dự án vay vốn sát
với thực tế, giám sát khoản vay và thu hồi nợ vay hiệu quả. Do đó, mặc dù bộ
máy nhân sự gọn nhẹ, phạm vi cho vay phủ khắp các xã, phường, thị trấn trong
toàn tỉnh, nhưng chất lượng cho vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân vẫn được đảm bảo,
không có nợ quá hạn và lãi tồn.
Nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
tỉnh Ninh Bình được tập trung cho vay theo dự án nhóm hộ (từ 03 hộ trở lên đối
với nguồn tỉnh, từ 10 hộ trở lên đối với nguồn Trung ương Hội) cùng sản xuất,
kinh doanh một loại hình sản phẩm đã phát huy tính tương trợ, đoàn kết giúp đỡ
nhau giữa các hộ vay.
Đây chính là hoạt động đặc sắc, đặc thù của Quỹ
Hỗ trợ nông dân qua đó đã hình thành cách thức làm việc theo nhóm, thành lập
các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp là nền móng vững chắc của Tổ hợp tác, Hợp
tác xã trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng chi tổ Hội Nông dân nghề nghiệp,
những mắt xích quan trọng của liên kết hợp tác sản xuất, kinh doanh theo chuỗi
giá trị trong nông nghiệp ở nông thôn.
Hằng năm, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh
tổ chức tập huấn nghiệp vụ Quỹ cho cán bộ Hội các cấp trong tỉnh nhằm bổ sung
kiến thức, nâng cao năng lực quản lý điều hành hoạt động Quỹ ngày càng chặt chẽ
và đi vào nề nếp. Đồng thời, Hội Nông dân các cấp còn chủ động hỗ trợ người vay
thông qua việc thực hiện các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật,
phối hợp với các cơ quan tư vấn hỗ trợ, dạy nghề; cung cấp giống cây trồng, vật
nuôi có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất; thông qua các hợp đồng cung ứng
các loại vật tư nông nghiệp, máy công cụ, phân bón trả chậm đạt chất lượng nhằm
ổn định giá cả để nông dân an tâm sản xuất.
Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh là cơ
quan tham mưu Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh ký kết chương trình phối hợp Ngân
hàng Chính sách xã hội thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối
tượng chính sách khác; chương trình phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát
triển nông thôn và các ngân hàng thương mại khác thực hiện chính sách tín dụng
phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày
09/6/2015, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về chính
sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã khơi thông kênh dẫn
vốn từ các ngân hàng đến với nông dân, với tổng dư nợ tín dụng các ngân hàng
đang cho hội viên nông dân vay đạt hơn 4.276 tỷ đồng .
Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và
nguồn vốn tín dụng ủy thác từ ngân hàng đã và đang góp phần trợ giúp cho hàng
ngàn hội viên nông dân có thêm vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết
việc làm, gia tăng thu nhập, nhiều hộ nghèo trở thành hộ khá, nhiều hộ khá trở
thành hộ giàu, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng lên rõ rệt,
thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ giàu ở nông thôn ngày càng tăng.
Tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản tiêu biểu của nông dân huyện Gia Viễn
Hiệu quả xã hội
Quỹ Hỗ trợ nông dân là công cụ,
phương tiện, điều kiện để thúc đẩy công tác Hội, phong trào nông dân, đặc biệt
là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm
giàu và giảm nghèo bền vững.
Xây dựng Hội Nông dân, giai cấp
nông dân vững mạnh, cơ sở chính trị vững chắc góp phần tích cực chuyển tải, thực
hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông
nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện hỗ
trợ vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân là một
trong những tiêu chí hàng đầu trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia
xây dựng nông thôn mới. Thông qua hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân đã góp phần xây
dựng Hội Nông dân và giai cấp nông dân Việt Nam ngày càng vững mạnh, phát huy
vai trò chủ thể của nông dân, vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội Nông dân
trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Những kết quả trên cho thấy, hoạt
động Quỹ Hỗ trợ nông dân đã góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính
sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là Nghị quyết
số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X)
về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6
năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) về nông nghiệp, nông
dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.