Theo đồng chí Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch, với đặc thù và tiềm năng riêng có về thiên nhiên-văn hóa-lịch sử, tỉnh Ninh Bình xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và hình ảnh riêng gắn với tiềm năng, giá trị đặc sắc vùng đất Cố đô Hoa Lư và Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Để triển khai theo đúng định hướng Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong những năm qua, ngành Du lịch tỉnh đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường. Ninh Bình được đánh giá là mô hình điểm về bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo vệ tài nguyên môi trường, người dân được coi là trung tâm để phát triển du lịch xanh, phát triển bền vững.
"Có một thực tế là khi đến với Tràng An hay bất kỳ điểm du lịch nào ở Ninh Bình sẽ thấy việc giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp đều do người dân thực hiện. Ý thức của doanh nghiệp khi đầu tư tôn tạo các điểm du lịch hay các di tích lịch sử văn hóa đều phải tôn trọng tối đa yếu tố tự nhiên, yếu tố lịch sử văn hóa để phục dựng lại cũng như phát triển các sản phẩm dịch vụ phù hợp với điều kiện tự nhiên và bảo vệ tài nguyên môi trường ở từng địa điểm đó"-đồng chí Nguyễn Cao Tấn nhấn mạnh.
Từ nhiều năm nay, tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ngành Du lịch luôn chú trọng và định hướng phát triển các khu, điểm du lịch gắn với du lịch xanh, xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, tạo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ; chuyển từ công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch, tạo mô hình tăng trưởng "xanh". Cụ thể là đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch thành điểm đến "an toàn-thân thiện-hấp dẫn" như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Vườn chim Thung Nham, chùa Bái Đính… Đồng thời phát triển du lịch gắn với định hướng bảo tồn và phát huy giá trị của các khu bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Các khu vực cần bảo tồn, hạn chế phát triển bao gồm công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa cần bảo tồn, tôn tạo, đặc biệt đối với 4 khu bảo tồn thiên nhiên gồm: Vườn Quốc gia Cúc Phương; Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; Khu rừng đặc dụng Hoa Lư; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Châu thổ sông Hồng (rừng ngập mặn Kim Sơn-Cồn Nổi).
Cũng theo đồng chí Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch: Nhận thức công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách không chỉ của ngành Du lịch mà của các cấp, các ngành, toàn xã hội để phục vụ phát triển du lịch bền vững, hàng năm, Sở Du lịch tổ chức lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, văn minh du lịch cho các cán bộ chủ chốt cấp xã, lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cộng đồng tham gia làm dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và học sinh tại các trường THPT, THCS trên địa bàn khu Di sản Quần thể danh thắng Tràng An với chủ đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Qua đó có tác động đến nhận thức, chuyển biến về hành động, việc làm của cán bộ cơ sở, cộng đồng tham gia làm du lịch. Đơn cử tại Quần thể danh thắng Tràng An, trên mỗi đò chở khách tham quan đều có giỏ đựng rác, người chèo đò thấy có rác là chủ động thu gom để đưa lên bờ tập kết đúng nơi quy định; đơn vị khai thác du lịch tại đây bố trí các thuyền chuyên đi vớt rong rêu, rác trôi nổi để bảo đảm môi trường, cảnh quan luôn sạch đẹp.
Để tiếp tục phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, ngành Du lịch tiếp tục quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương, của ngành về công tác bảo vệ môi trường gắn với các hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Xác định việc phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững không chỉ của một ngành mà là của cả các cấp, các ngành của mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và du khách trong và ngoài nước khi đến Ninh Bình; trong các hoạt động du lịch luôn chú trọng hướng đến việc sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học rừng, biển, vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Cùng với đó xây dựng phương án phát triển du lịch gắn với biến đổi khí hậu, từ đó sẽ có cái nhìn chủ động và phương án cụ thể cho các tình huống xảy ra khi những tác động bất lợi của tự nhiên đến đời sống con người. Thực hiện nghiêm túc các hoạt động thu gom, phân loại rác thải hằng ngày tại các khu, điểm du lịch, hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa một lần; kiên trì tuyên truyền, hiện thực hóa thông điệp "Vứt rác đúng nơi quy định", "Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần", "Hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy" ở những khu vực bán vé, nơi để xe, nơi bán hàng...; gắn với xây dựng và thực hiện tốt các nội quy, quy định để đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn hóa, văn minh tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường sự phối hợp của các ngành chức năng trong công tác kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh (cần thực hiện thường xuyên và kịp thời) để việc bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển du lịch xanh thực chất, thực sự đi vào chiều sâu, có tính bền vững cao. Mặt khác thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương; huy động nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.