Hàng loạt các chính sách thúc đẩy
Hàn Quốc rất coi trọng phát triển nông nghiệp, chăm lo đời sống cho cư dân nông thôn, minh chứng là Chính phủ đã đầu tư tới 6% GDP cho nông nghiệp, mặc dù nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 2% GDP. Đối mặt với những khó khăn, hạn chế về tài nguyên, biến đổi khí hậu, thiếu hụt lao động... Hàn Quốc có hàng loạt chính sách và biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân.
Cụ thể, về chính sách đất đai, Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện sử dụng tối đa quỹ đất hiện có. Đất đai thuộc sở hữu tư nhân. Hàn Quốc bỏ hạn điền đất nông nghiệp từ năm 1999 để tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất. Chủ sở hữu đất nông nghiệp bắt buộc phải sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp, không được để hoang hóa quá một năm. Người sở hữu đất không sản xuất nông nghiệp, nhưng vẫn muốn sở hữu có thể ủy thác ngân hàng đất đai cho thuê.
Nhà nước có chính sách đền bù thỏa đáng cho nông dân khi thu hồi đất. Việc đền bù được thực hiện theo hai phương thức. Một là, Nhà nước và người nông dân thỏa thuận với nhau về mức giá đền bù theo giá thị trường. Hai là, nếu hai bên không thống nhất được mức giá đền bù sẽ có đơn vị thẩm định giá độc lập nhưng về nguyên tắc phải bằng hoặc cao hơn giá thị trường.
Về chính sách tín dụng, Nhà nước cho nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi từ 0% - 2,0%, mức cao nhất cũng chỉ bằng 50% lãi suất cho vay thương mại. Nông dân có thể vay vốn ưu đãi tới 70%, thậm chí 100% vốn đầu tư ứng dụng công nghệ cao, mua máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp, làm nhà kính, xây dựng cơ sở bảo quản sản phẩm.
Về chính sách khoa học công nghệ, công tác nghiên cứu và phát triển, nhất là nghiên cứu cải tiến, tạo giống mới, công nghệ mới phục vụ sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản được đặc biệt coi trọng. Hàn Quốc có 240 cơ sở nghiên cứu khoa học là các viện, trung tâm. Chính phủ đầu tư khoảng 1 tỉ USD/năm cho công tác nghiên cứu, phát triển. Đối với mặt hàng chủ lực như lúa, đậu đỗ, cà chua, táo, lê…, Nhà nước đặt hàng các cơ sở nghiên cứu chọn tạo, sản xuất các giống có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng để cung cấp cho nông dân. Các cán bộ nghiên cứu, khuyến nông được phân công phụ trách tư vấn trực tiếp từng nhóm nông dân giúp cho nông dân giải quyết kịp thời các khó khăn trong sản xuất.
Chính phủ Hàn Quốc còn lập kế hoạch xây dựng các dự án cải tạo đất cho toàn bộ đất trồng trọt ít nhất 6 năm một lần. Trên cơ sở kết quả khảo sát đất và dự báo cho dinh dưỡng của mỗi loại cây trồng, các loại phân bón giàu khoáng chất sẽ được cung cấp để nông dân sử dụng một cách tối ưu cho từng mảnh ruộng riêng biệt.
Hàn Quốc có Quỹ bình ổn giá các mặt hàng chiến lược đảm bảo thu nhập cho nông dân và lợi ích của người tiêu dùng. Bù giá cho nông dân khi giá thị trường thấp hơn giá Chính phủ đảm bảo hoặc hỗ trợ nông dân khi Chính phủ yêu cầu nông dân giảm quy mô sản xuất. Nông dân được Nhà nước hỗ trợ 80% phí bảo hiểm nông nghiệp, 50% bảo hiểm hưu trí...
Nền nông nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến ở Asan
Mới đây, tham gia đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình trao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của thành phố Asan, tỉnh Chung cheong Nam, chúng tôi đã có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về ngành nông nghiệp của địa phương này cũng như của đất nước Hàn Quốc.
Asan được biết đến là một trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Hàn Quốc với các cây trồng chính là lúa, lê, hành lá, dưa chuột... Diện tích đất nông nghiệp không quá lớn (gần 15.600 ha), lao động làm trong lĩnh vực này cũng hạn chế (hơn 17 nghìn người, chiếm khoảng 5,4% dân số) nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp ở Asan rất cao. Điều này có được là nhờ địa phương đã tập trung ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thông qua áp dụng phương tiện và kỹ thuật hiện đại trong sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm trong từng khâu của chuỗi giá trị sản xuất.
Đi thăm thực tế các cánh đồng lúa, các trang trại trồng lê, táo, nho, việt quất... chúng tôi thấy ở đây hầu như mọi hoạt động trong sản xuất nông nghiệp đều được thực hiện bằng máy móc, từ làm đất, gieo trồng, bón phân, tưới tiêu đến thu hoạch. Những nông dân ở đây hầu hết đều ở độ tuổi 60-70 nhưng họ vẫn canh tác 1-2 ha cây trồng mà không gặp bất kỳ khó khăn gì. Ông Im Hong Soon, 72 tuổi ở vùng Mbong-myeon (Asan) sở hữu vườn lê 2 ha chia sẻ: "Còn cầm kéo được thì tôi còn làm nông vì mọi việc đều có máy móc thay thế, rất nhàn hạ".
Thầy Nam Yoon Gil, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp thành phố Asan cho biết: Trung tâm đang vận hành một ngân hàng cho thuê máy móc nông nghiệp với 571 đầu máy và 91 chủng loại máy móc. Đến mùa vụ, nông dân cần sử dụng loại máy nào chỉ cần đến đăng ký thuê sẽ được đào tạo và mang về sử dụng. Trung tâm chỉ thu một mức phí rất nhỏ để bảo trì.
Tại vườn ươm PPS Seed, Tổng Công ty Hiệp hội Nông nghiệp, nơi chuyên sản xuất, nhân giống dưa lê, chúng tôi rất ấn tượng bởi mọi quy trình quản lý, vận hành đều khép kín trong khu nhà kính. Các công đoạn từ trộn đất, gieo hạt, đóng bầu đều thực hiện bằng máy móc. Tại đây có hệ thống máy đo độẩm của đất, không khí, phân tích nhu cầu phân bón của cây, lượng nước tưới tiêu… và có thể đưa ra các giải pháp gợi ý giúp giải quyết tình trạng sâu bệnh (nếu có) nhờ vào việc phân tích dữ liệu. Đặc biệt, vườn ươm có hệ thống thu nhiệt trong lòng đất ở độ sâu 180m giúp cung cấp nhiệt độ tối ưu cho cây trồng, nhờ đó, cây giống được sản xuất liên tục bất kể mùa vụ.
Ngoài chú trọng ứng dụng cơ giới hóa, tự động vào sản xuất, thành phố Asan cũng rất quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp bền vững. Ngay từ những năm 70, ở đây đã hình thành những Hiệp hội các trang trại lành mạnh, Hiệp hội nghiên cứu nghề nông trại hữu cơ. Hiện nay, để giảm ô nhiễm môi trường gây ra bởi các hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, số lượng các hóa chất sử dụng được cắt giảm bằng cách sử dụng có hiệu quả và thận trọng. Chương trình quản lý tích hợp các loài gây hại (IPM) đã được đưa ra để khuyến khích việc sử dụng có hiệu quả các hóa chất. Các phương pháp làm tăng độ màu mỡ được áp dụng dựa trên cơ sở các kết quả khảo sát đất đai để giảm việc sử dụng các loại phân hóa học nhằm bảo vệ đất. Chất lượng sản phẩm nông nghiệp được kiểm soát chặt chẽ thông qua việc áp dụng các quy chuẩn chất lượng cao, hệ thống truy xuất nguồn gốc, chế tài xử phạt nghiêm khắc, công khai thông tin các đơn vị, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Để hỗ trợ nông dân trong việc bảo quản, phân phối, tiêu thụ nông sản, địa phương này thiết lập một hệ thống tuần hoàn nông sản địa phương. Theo đó, sẽ hỗ trợ nông dân kết nối cung cấp thực phẩm cho bữa ăn ở các trường học, cơ sở công cộng; trao đổi nông thôn-đô thị; thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cũng như phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản.
Công nghệ bảo quản, chế biến ở đây phát triển ở trình độ rất cao. Ví dụ như đối với việc chế biến lúa gạo, không chỉ đơn thuần là xay xát đóng gói, các nhà máy chế biến gạo ở đây còn bổ sung dinh dưỡng, phân phối gạo chế biến sẵn ở dạng cơm ăn liền; hơn nữa có thể tự động đóng gói dựa trên khối lượng, chủng loại riêng biệt, đúng theo yêu cầu của từng khách hàng rồi gửi đến địa chỉ cần thiết và không cần đến bàn tay của con người. Đối với sản phẩm lê, công nghệ bảo quản tốt đến mức lê thu hoạch vào tháng 10 nhưng vẫn có thể giữ nguyên chất lượng để bán vào tháng 5 năm sau.
Kinh nghiệm nào cho Ninh Bình
Thực tế sản xuất nông nghiệp ở Ninh Bình và Asan hiện nay có nhiều điểm tương đồng khi cùng đang đối mặt với nhiều khó khăn về biến đổi khí hậu, việc thu hẹp diện tích sản xuất, thiếu hụt lao động... Do vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là giải pháp quan trọng, nhân tố quyết định đến chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo ra lượng sản phẩm lớn thân thiện với môi trường; giảm giá thành sản phẩm, giảm lao động tay chân, bớt phụ thuộc vào thời tiết...
Đồng chí Lâm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh, Trưởng Đoàn cán bộ và nông dân tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình tham dự Chương trình Đào tạo phát triển nông nghiệp tại Asan tháng 7 vừa qua chia sẻ: Đây là một chuyến đi học tập hết sức ý nghĩa, rất nhiều vấn đề hay về chính sách, các tiến bộ về giống, kỹ thuật, cơ giới hóa, sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường... để chúng ta học tập, áp dụng vào sản xuất của mình. Trong đó, nghiên cứu kinh nghiệm của bạn cho thấy rất rõ vai trò của vốn đầu tư Nhà nước vào nhiều mặt khác nhau của chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước cần có các chính sách phù hợp hỗ trợ nông dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho nông sản. Cần thiết phải xây dựng kế hoạch phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao với quy mô phù hợp. Không nhất thiết nơi nào cũng phát triển sản xuất quy mô lớn mà quan trọng nhất là biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Cần phải tư vấn hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Song song với đó, chú trọng hơn đến việc chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, quản lý chặt việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ông Lê Đăng Thỏa, cán bộ phụ trách lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Đức Hùng (thành phố Tam Điệp) chia sẻ: Tuy có 2 tuần, nhưng chuyến đi đã giúp ông học hỏi được nhiều kiến thức, đặc biệt là có điều kiện tiếp cận với trình độ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ông rất ấn tượng bởi công nghệ nghiên cứu sản xuất giống, công nghệ chế biến sau thu hoạch của phía bạn. Đặc biệt, qua chuyến đi này ông đã học tập được kỹ thuật bấm cành, ngắt ngọn, tỉa quả, bón phân, tưới nước trong canh tác cà chua, dưa chuột trong nhà lưới công nghệ cao để về áp dụng tại Công ty.
Còn nông dân Phạm Văn Hướng (xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh) cho biết: Năng suất lúa ở Asan rất cao, bình quân khoảng 7,6 tấn/ha (ở Ninh Bình chỉ khoảng 6,2 tấn/ha). Có được năng suất này, ngoài bộ giống tốt, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, có lẽ do phía bạn có một chương trình dài hạn, bài bản để cải tạo đất, trên cơ sở kết quả khảo sát đất và dự báo cho dinh dưỡng của mỗi loại cây trồng, các loại phân bón giàu khoáng chất được cung cấp để bón một cách tối ưu cho từng mảnh ruộng riêng biệt. Nông dân chúng tôi rất mong Nhà nước có những nghiên cứu, hỗ trợ thiết thực như thế.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, từ năm 2015, UBND tỉnh Ninh Bình và chính quyền thành phố Asan, Hàn Quốc đã ký kết Thỏa thuận hữu nghị và hợp tác giữa 2 đơn vị. Theo đó, trên lĩnh vực nông nghiệp, đến nay, tỉnh Ninh Bình đã cử 5 đoàn cán bộ ngành Nông nghiệp và nông dân tiêu biểu của tỉnh sang học tập, tiếp thu các kinh nghiệm trong quản lý, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều tiến bộ kỹ thuật từ phía bạn đã được chúng ta đem về áp dụng thành công. Cụ thể như: Ứng dụng phương pháp làm giàn treo cho cây dưa trong nhà lưới, nhà kính; phương pháp ghép dưa chuột trên gốc bí đỏ; nhân giống nấm sò đen Hàn Quốc từ nguồn vật liệu là giống nấm từ Asan-Hàn Quốc; một số giống rau, hoa, quả từ Asan như dưa chuột, xà lách, rau cải, hoa cúc… cũng đã được trồng thử nghiệm tại Ninh Bình cho năng suất, chất lượng tốt.
Hy vọng "đi một ngày đàng học một sàng khôn", những chuyến đi học tập và sự chia sẻ, hợp tác từ phía Asan sẽ giúp các cán bộ, nông dân tiêu biểu của Ninh Bình có được cái nhìn mới mẻ, hiện đại và tiến bộ, về áp dụng vào đời sống sản xuất của mình, đưa ra được các mô hình hay để các nông dân khác học tập, cùng phát triển.