Thứ nhất, về thể chế, Bộ Xây dựng chủ trì, rà soát lại
thể chế, quy trình, thủ tục vướng mắc ở điểm nào, ai giải quyết, làm trong bao
lâu, khi nào có kết quả, "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm,
rõ sản phẩm"; vướng mắc tại các luật, nghị định, thông tư thì cơ quan nào
phải sửa và đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội. Nhấn mạnh lĩnh vực ưu đãi phải
có chính sách ưu đãi, Thủ tướng yêu cầu việc này phải trình trong tháng 3, chậm
nhất trong tháng 4.
Thứ hai, về quy hoạch, các địa phương phải quy
hoạch, điều chỉnh quy hoạch nhà ở xã hội phù hợp, chậm nhất trong quý II phải
xong, nếu vướng mắc thì đề xuất. Các địa phương có kế hoạch, chủ động giao đất
cho các chủ đầu tư; nghiên cứu thu hồi các dự án lãng phí, khu đất bỏ hoang nhiều
năm, xử lý vướng mắc, giao cho các chủ đầu tư; giải quyết, bố trí quỹ đất đầy đủ,
nhanh cho chủ đầu tư; giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp. Tinh thần là chủ động,
sáng tạo nhưng trong sáng, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực,
lãng phí.
Thứ ba, Bộ Xây dựng rà soát lại tiêu chuẩn, quy chuẩn,
định mức liên quan nhà ở xã hội (như chiều cao, vật liệu xây dựng…). Thủ tướng
chỉ đạo cần thiết kế mẫu mã phù hợp từng vùng miền để có thể nghiên cứu việc tiến
hành sản xuất hàng loạt, sử dụng các cấu kết lắp ghép để thi công nhanh; giao
cho các doanh nghiệp lớn triển khai, góp phần phát triển các ngành công nghiệp
phục vụ nhà ở xã hội như sản xuất cấu kiện thép, bê tông…
Thứ tư, về hạ tầng, các địa phương phải phát triển đồng
bộ hạ tầng, đáp ứng yêu cầu, nếu cần thì đầu tư công; có thể chỉ định thầu đồng
bộ giữa dự án nhà ở xã hội và dự án hạ tầng, quan trọng là phải phòng chống
tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thứ năm, về cơ chế vốn cho dự án nhà ở xã hội,
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu mức lợi nhuận phù hợp (hiện 10%), có thể tăng
nhưng quan trọng là dự án phải làm nhanh, kịp thời, "thay vì phải thủ tục
mất 3 năm thì chỉ làm trong 1, 2 tháng sẽ giúp tiết kiệm chi phí tuân thủ",
thì nếu dự án kéo dài thì chi phí tuân thủ cũng tăng lên, gây lãng phí thời
gian, công sức, niềm tin, phải làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc
đó.
Thứ sáu, về huy động nguồn lực, Thủ tướng giao Phó Thủ
tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính, hoàn thành việc lập quỹ nhà ở quốc gia
trong tháng 3/2025. Thực hiện phê duyệt danh sách người được mua, thuê mua,
thuê nhà ở xã hội trên cơ sở dữ liệu dân cư tích hợp với các tiêu chuẩn, tiêu
chí. Cùng với đó, có cơ chế hỗ trợ giải phóng mặt bằng của địa phương; huy động
nguồn lực xã hội, người dân, hợp tác công tư; nguồn vốn ngân sách địa phương ủy
thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội… NHNN không tính tín dụng cho vay nhà ở xã
hội vào 'room' tín dụng của các ngân hàng.
Thứ bảy, Văn phòng Chính phủ chủ trì, rà soát, cắt
giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính trong năm 2025. Người có nhu cầu phải chờ 5
năm, 10 năm mới có nhà ở xã hội thì không có tác dụng nhiều, Thủ tướng phát biểu.
Thứ tám, Bộ Xây dựng giao Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ
chức cuộc thi thiết kế kiến trúc nhà ở xã hội, với giải thưởng từ ngân sách Nhà
nước, triển khai trước 30/4/2025.
Thứ chín, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chống tham
nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thứ mười, các cơ quan báo chí truyền thông đẩy mạnh
các chương trình thúc đẩy nhà ở xã hội, tạo động lực, truyền cảm hứng cho toàn
xã hội, người dân, doanh nghiệp, biểu dương những cách làm hay, kinh nghiệm tốt…