11/01/2023
Lượt xem: 367
Ninh Bình gặp nhiều khó khăn trong đợt 1 lấy nước phục vụ sản xuất
Vụ Đông Xuân 2022 -2023 tại các tỉnh khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sẽ chỉ có 2 đợt lấy nước từ các hồ chứa thủy điện thay vì 3 đợt như trước. Đợt 1 lịch lấy nước bắt đầu từ 0 giờ ngày 6/1 đến 24 giờ ngày 9/1/2023. Đợt lấy nước lần này, Ninh Bình gặp nhiều khó khăn.

Đến nay Ninh Bình có trên 41% diện tích có nước phục vụ làm đất. Trong đó, các vùng lấy nước thủy triều như Yên Khánh, Kim Sơn mới đạt gần 30%, thấp hơn cùng kỳ.
Mặn lấn sâu là khó khăn lớn nhất trong đợt lấy nước lần này, thay vì lấy theo con nước, thì năm nay lực lượng Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) phải canh từng giờ để đo mặn, gạn từng dòng nước để đưa vào ruộng.
Trước khi vào lấy nước, Chi cục Thủy Lợi và Công ty TNHH MTV KTCT Thủy lợi tỉnh Ninh Bình đã khảo sát và đánh giá tình hình, có giải pháp thích ứng với thực tế.
Do làm tốt công tác chuẩn bị về nhân lực, con người và có các phương án sát thực tế, trong suốt thời gian lấy nước đợt 1 vừa qua có 87 cống, Âu dưới đê, 11 cống, tràn hồ, 60 máy ở 29 trạm bơm hoạt động. Đến nay toàn tỉnh có trên 41% diện tích có nước làm đất. Trong đó, các huyện phía Bắc tỉnh cao hơn, đạt 50 – trên 50% diện tích, các vùng lấy nước thủy triều như Yên Khánh, Kim Sơn mới đạt gần 30%, thấp hơn cùng kỳ.


Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị, tiếp tục chuẩn bị tốt các điều kiện để lấy nước đợt 2 phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân
Thay vì 3 lần như trước, năm nay chỉ có 2 lần lấy nước, do đó, công tác điều hành nguồn nước trên địa bàn tỉnh sẽ gặp khó khăn, nhất là những địa hình xa nguồn nước, áp lực lớn cho các đơn vị chức năng là làm thế nào đảm bảo có đủ nước gieo cấy trong khung thời vụ:
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị, tiếp tục chuẩn bị tốt các điều kiện để lấy nước đợt 2, các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin liên quan đến nguồn nước, tổ chức vận hành lấy nước để thau rửa hệ thống thủy lợi đảm bảo chất lượng nước theo quy định hiện hành; trữ nước vào hệ thống kênh trục, ao, đầm, các vùng trũng và đưa nước lên ruộng để phục vụ làm đất và gieo cấy, đặc biệt ưu tiên cấp nước cho các vùng khó khăn về nguồn nước. Thường xuyên kiểm tra các bờ vùng, bờ thửa để quản lý chặt chẽ, tránh rò rỉ, gây lãng phí; đồng thời phối hợp với ngành điện lực đảm bảo nguồn điện cấp cho các trạm bơm vận hành ổn định trong suốt thời gian lấy nước.
Theo nbtv.vn